|

Nhung Trang: Trải nghiệm 2 ngày ở dự án Newsavvy

English Version

Bài viết dưới đây được đăng lại từ bài chia sẻ của Nhung Trang trên trang Facebook cá nhân, xem bài viết gốc tại đây!

Lý do mình tham gia Newsavvy

“Một ngày rảnh rỗi nào đó của tháng 3, mình bất chợt thấy đơn đăng kí dự án Newsavvy từ một người bạn cùng lớp. Tìm hiểu sơ về dự án trên website mình quyết định tham gia ngay tắp lự bởi dự án quá ý nghĩa.

Trước hết là về nội dung, Newsavvy hướng tới việc nâng cao nhận thức, tư duy phản biện của giới trẻ trên nền tảng số – nội dung mà trước đó mình từng thực hiện trong một dự án môn học (cú sốc thứ hai của sinh viên năm nhất??) và cực kì hứng thú.

Điều thứ hai là mình thấy logo của Step Forward Education, một tổ chức giáo dục mà trước đó mình có cơ hội tham gia một khóa học nhỏ vô cùng chất lượng và hữu ích với mình.

Và lý do cuối cùng khiến mình điền đơn là bởi mình đang quá rảnh rỗi. Là một người không thích ngồi yên một chỗ và dễ dàng bị stress nếu bản thân có quá nhiều thời gian chết thì việc có một hoạt động liên quan đến điều mình hứng thú lại có giấy chứng nhận xịn xò thì mình không có lý do gì mà không tham gia cả.”

Buổi 1 của mình đã trải qua như thế nào?

“Buổi học đầu tiên diễn ra khá suôn sẻ và vui vẻ bởi hôm đó mình được cộng 4đ cho việc xung phong kể tên 10 quốc gia Asean trong 20s (nếu nhớ tên Thái Lan thì được cộng 5đ rồi).

Ở buổi này, tụi mình được gặp anh Cao Trí – biên tập viên của báo Thanh Niên. Anh chia sẻ rất nhiều về vấn đề tin giả hiện nay cũng như cách phân biệt, nhận biết độ thật giả của một bài báo.

Điều mình ấn tượng ở anh không chỉ là giọng nói hay, truyền cảm mà còn là 2 nội dung anh chia sẻ với tụi mình – điều mà đa số chúng ta gần như không bao giờ để ý.

Thứ nhất là việc nếu một workshop, bài báo nào để tên của một vị chuyên gia với thật nhiều danh xưng thì trước khi đặt niềm tin vào vị chuyên gia đó hãy xem coi họ đã chia sẻ đúng chuyên môn của mình chưa.

Thứ hai là câu chuyện cảm động về cuộc hội ngộ của 2 người chiến sĩ sau 20 chiến tranh kết thúc. Đó sẽ là một bài báo rất ổn cho đến khi anh Trí phát hiện ra điều bất thường ở số tuổi của 2 người chiến sĩ già. Câu chuyện ấy càng khiến mình thấy được tầm quan trọng của việc kiểm duyệt nội dung trước khi công khai với nhiều người. Mình nhớ mãi câu nói đầu tiên anh nói với tụi mình ở đầu buổi học:

“Sau buổi học này, điều anh muốn các em cảm nhận được đó là sự hoang mang, hoang mang vì những điều hôm nay anh nói”.

Anh Cao Trí

Và kết thúc buổi đầu tiên, mình thấy hoang mang thật ???”

Qua buổi thứ 2 thôi nào!

“Đến buổi học thứ 2, tụi mình có cơ hội được giao lưu với anh Vũ Hà – một người rất giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Mặc dù cách chia sẻ của anh Vũ Hà không bánh cuốn như anh Cao Trí nhưng mình lại rất thích sự giản dị, thân thiết mà anh Hà mang đến cho mình suốt buổi học.

Hôm ấy mình đã 2 lần thốt lên từ “Wow” bởi những điều mà anh chia sẻ. Anh có nhắc đến khá nhiều những thuật ngữ liên quan đến mã độc, vấn đề mà ta có thể gặp phải khi nhấp vào link lạ nhưng đọng lại trong đầu mình chỉ có từ Ransomware mà thôi 😅.

Ransomware là một loại virus mà khi lây nhiễm vào máy tính, nó sẽ mã hóa hoặc chặn những truy cập dữ liệu trên đĩa. Để hoạt động bình thường trở lại, người dùng phải chuyển tiền vào tài khoản mới gỡ được ransomware.

Và từ “Wow” thứ hai là khi anh chia sẻ với tụi mình một vài trang web kiểm tra độ tin cậy của một đường link, website nào đó. Nói thật là mình không ngờ là nó có thật luôn đó. Trang web đó là gì thì mình để dưới cmt cho bạn nào quan tâm nha.”

Buổi thứ 3…

“Ở buổi thứ 3, cùng là buổi học cuối cùng thì mình…à mình nhớ lộn lịch nên không tham gia được. Lúc phát hiện ra thì buổi học cũng kết thúc luôn rồi 🙁.

Nói chung là lần tham gia dự án này mình lại gặp được nhiều bạn giỏi quá trời quá đất ở khắp mọi miền đất nước nên dù không có giấy chứng nhận thì mình cũng sẽ rất tiếc 😓.”

Similar Posts