Nhóm VNDi

[Infographic] Đọc kỹ, hiểu đúng để tránh định kiến về người chuyển giới

Trong những năm gần đây, thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những chủ đề được báo chí trong nước quan tâm và khai thác đa dạng trên nhiều khía cạnh. Trong đó, những vấn đề về định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người chuyển giới đã được báo chí nhìn nhận thẳng thắn, đa chiều. Vì vậy, công chúng đang dần có cái nhìn tích cực và cởi mở hơn về cộng đồng LGBTQIA+ nói chung và người chuyển giới nói riêng. Sự chuyển biến tích cực này cho thấy nỗ lực xóa bỏ những ranh giới vô hình và rút ngắn khoảng cách giới, từng bước hướng tới xây dựng một xã hội đa dạng, công bằng và dung hợp (D.E.I – Diversity, Equity and Inclusion).

Tuy nhiên, sự thiếu hụt kiến thức về giới (gender) và giới tính (sex), đi kèm theo đó là làn sóng tin giả (fake news), tin thiên kiến (bias information) cùng phát ngôn thù ghét (hate speech), đã tạo ra những khoảng cách giới và thiệt thòi đối với cộng đồng người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBTQIA+ nói chung. Điều này vô hình trung đóng khung suy nghĩ của người đọc và khắc sâu những định kiến, khuôn mẫu tiêu cực về người chuyển giới, từ đó ảnh hưởng tới thái độ chấp nhận và tôn trọng của xã hội. Bài báo “Trai đẹp chuyển giới để bán dâm” (VnExpress, 06/10/2013) sau đây là một ví dụ.

———————————————–

BUỒNG VANG THÔNG TIN VÀ ĐẠO ĐỨC BÁO CHÍ

Từ hệ thống phân tích và lập luận như trên, có thể thấy, người viết đã khắc sâu những định kiến tiêu cực về người chuyển giới qua cách đặt tiêu đề tối nghĩa, sử dụng tính từ mạnh, những đánh giá chủ quan hay cụm từ định danh nhân vật đầy thiên kiến. Các yếu tố này sẽ góp phần hình thành nên buồng vang thông tin (echo chamber) – nơi mà người bên trong chỉ tiếp nhận những thông tin, quan điểm giúp phản ánh và củng cố quan điểm sẵn có của họ [1]. Cụ thể trong trường hợp này, khi đọc bài báo như trên, những người vốn có sẵn định kiến, kỳ thị và phân biệt đối xử với người chuyển giới sẽ ngày càng tin vào niềm tin cố hữu và đánh giá chủ quan của mình, kéo theo đó là những hành động nhằm chứng tỏ quan điểm của mình là đúng.

Cứ như thế, vòng lặp thông tin được vận hành trong một không gian khép kín, thiếu tư duy và đánh mất sự phản biện vốn có. Và cứ như thế, người chuyển giới sẽ mãi sống trong sợi dây ràng buộc vô hình của định kiến. Nhờ vậy, tin giả và thông tin sai lệch nói chung và tin giả, thông tin sai lệch về người chuyển giới nói riêng, có điều kiện thuận lợi để lan truyền trong buồng vang thông tin và dễ dàng được tiếp nhận mà không vướng chút hoài nghi. Hậu quả là, từ sự thiên lệch trong cách đưa tin đã dẫn đến sự sai lệch khi tiếp nhận tin tức, từ đó bóp méo góc nhìn của một cá nhân, khiến họ khó tôn trọng những quan điểm đối lập, cởi mở.

Nhìn chung, cách đưa tin như trên là thiếu nhân văn, đánh mất sự trung lập trong báo chí. Người viết lạm dụng đề tài giới tính, hướng ngòi bút vào cộng đồng yếu thế, rút tít lập lờ giật gân với những câu từ khiếm nhã, bình luận thiếu khách quan để đưa những thông tin thiên lệch và khắc sâu định kiến về người chuyển giới. Những hạn chế trong bài báo một lần nữa đặt ra câu hỏi cho những người làm báo về đạo đức nghề nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp, đội ngũ nhà báo – phóng viên đừng nên xa rời chuẩn mực trung thực, khách quan của báo chí để chạy theo xu hướng thương mại [2].

Đặc biệt, khi đưa tin về nhóm người yếu thế trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật,…), điển hình là cộng đồng người chuyển giới, người viết nên cho họ một sự tôn trọng nhất định: tôn trọng trong cách gọi tên và xưng hô như mong muốn vốn có, tôn trọng trong cách miêu tả họ như một con người bình thường, và tôn trọng họ với tất cả sự đa dạng và khác biệt, dẫu đó có là một nghi phạm vướng vào vòng lao lý. Ai cũng có quyền được sống và quyền được tôn trọng, thế nên ngòi bút nhân văn của báo chí hãy cho những con người ấy một con đường lui, để họ có cơ hội hoàn lương và tái hòa nhập xã hội. Hay nói rộng ra, báo chí hãy trở thành một người bạn đáng tin cậy trên hành trình thúc đẩy bình đẳng giới, để cùng đồng hành với cộng đồng người chuyển giới bước qua lằn ranh của định kiến, từng bước xây dựng một thế giới bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt.

Nguồn trích dẫn:

[1] Trà Nhữ. (2020). Echo chamber là gì? Bạn có phải nạn nhân của vòng lặp thông tin? Khai thác từ https://vietcetera.com/…/echo-chamber-la-gi-ban-co-phai… (truy cập ngày 21/04/2023)

[2] Dương Trọng Dật. (2017). Đạo đức nghề báo. Khai thác từ https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/dao-duc-nghe-bao-1491839983 (truy cập ngày 21/04/2023)

Similar Posts